Học sinh Trường THCS-THPT Đạ Nhim: "Hát ru của đồng bào dân tộc K'Ho tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương và một số giải pháp bảo tồn, phát huy trong thời gian tới"

Thứ năm - 09/03/2023 14:13
Trường THCS&THPT Đạ Nhim tọa lạc tại xã Đạ Nhim, là một xã miền núi thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 km, nằm trên Quốc lộ 27C. Toàn trường có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 439 học sinh.
Học sinh Trường THCS-THPT Đạ Nhim: "Hát ru của đồng bào dân tộc K'Ho tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương và một số giải pháp bảo tồn, phát huy trong thời gian tới"

       Xã Đạ Nhim có diện tích tự nhiên: 23.903,23 ha. Toàn xã có 1135 hộ với 5654 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho có 892 hộ với 4410 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Dân tộc K’Ho có nền văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú, đặc sắc, trong đó có loại hình hát ru. Những bài hát ru của người K’Ho thể hiện những giá trị tinh thần và bản sắc rất riêng, phản ánh những tập tục, thói quen sinh hoạt, đạo đức, lòng tin, tình yêu, khát vọng, tinh thần nhân văn và cả vũ trụ quan, thế giới quan của dân tộc K’Ho. Mặt khác, lời ru góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ.

     Tuy nhiên, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, loại hình hát ru của người K’Ho, đang dần bị “mai một”, lãng quên. Chỉ còn lại một bộ phận rất ít người già còn nhớ và còn biết hát ru. Tình trạng thế hệ trẻ không còn biết đến loại hình hát ru của dân tộc mình. Trong khi đó, trên địa bàn chưa có một giải pháp nào để bảo tồn và phát huy loại hình hát ru này. Trước những thực trạng trên, Cô và trò trường THCS&THPT Đạ Nhim đã nghiên cứu đề tài: “Thực trạng mai một loại hình hát ru của đồng bào dân tộc K’Ho tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương và một số giải pháp bảo tồn, phát huy trong thời gian tới ” nhằm góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc, bên cạnh đó tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức.
 

img 1661 638114684899993808

Hình: Tác giả dự án

     Hát ru (theo tiếng K’Ho gọi là tong brơr) của người K’Ho ở xã Đạ Nhim rất độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Lời ru êm ái nhưng cũng thật chân chất, mộc mạc như chính cuộc đời của họ - những người con của núi rừng. Các bài hát ru của người K’Ho phản ánh cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của cư dân bản địa gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, dạy con biết yêu núi rừng, yêu thôn bản, yêu thương những người thân, ruột thịt, biết tránh cái ác, làm việc thiện. Đặc biệt, ngoài việc hát ru con, người dân tộc K’Ho còn hát ru vào những dịp Mừng lúa mới, mừng thọ, mừng khi được tài sản có giá trị, hoặc những lúc phát nương làm rẫy. Các bà mẹ K’Ho thường địu con trên lưng để hát ru. Âm điệu của các bài hát ru lấy chất liệu từ dân ca K’Ho làm nền tảng nên rất gần gũi với âm điệu, ngôn ngữ nói của người K’Ho. Thời xưa, người K’Ho, ai ai cũng biết hát ru, không chỉ có mẹ ru con, bà ru cháu mà ông cũng có thể ru cháu, bố có thể ru con và anh, chị cũng thường xuyên ru em. Ngoài ra, trong quá trình hát ru, một số người già còn sử dụng nhạc cụ để đệm nhạc cho các bài hát ru.

     Bên cạnh đó, việc sưu tầm và gìn giữ các bài hát ru của dân tộc K’Ho là điều rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay tại xã Đạ Nhim. Các cấp quản lý văn hóa cần đầu tư kinh phí tài chính và những biện pháp sưu tầm, ghi chép lại bằng văn bản những bài hát ru của dân tộc K’Ho từ những người cao tuổi và những người biết hát ru. Sau khi sưu tầm, phục hồi và biên soạn lại các bài hát ru của người K’Ho hiện còn tồn tại nhằm in thành sách, phổ biến đến rộng rãi trong nhân dân. Việc văn bản hóa những bài hát ru là phương thức quan trọng hiện nay trong việc bảo lưu tài sản tinh thần quý giá này của nhân dân. Cần có sự cộng tác của những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân để đảm bảo tính khoa học, chuyên nghiệp trong quá trình sưu tầm, bảo lưu và văn bản hóa. 

     Chính vì vậy, loại hình hát ru của dân tộc K’Ho cũng có thể coi là một trong những sản phẩm văn hóa độc đáo để phát triển du lịch. Do đó chúng tôi đề xuất giải pháp đó là xây dựng mô hình Câu lạc bộ hát ru K’Ho phục vụ du lịch ở trên địa bàn. Mô hình hoạt động bao gồm phục dựng các lễ hội truyền thống, biểu diễn cồng chiêng và biểu diễn những bài hát ru của dân tộc K’Ho. Ngoài ra, những tiết mục hát ru còn có thể đưa vào hát trong các lễ hội du lịch như “Mùa hội cỏ hồng”. Đặc biệt, năm nay, hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt năm 2022, Khu du lịch sinh thái – văn hoá sản xuất hoa quả nằm trên địa bàn xã Đạ Nhim phối hợp với UBND huyện Lạc Dương lần đầu tổ chức giải đua ngựa không yên chuyên nghiệp và tổ chức Liên hoan ẩm thực và rượu cần Lang Biang nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa bản địa của người K’Ho đến du khách. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để có thể biểu diễn các bài hát ru của dân tộc K’Ho giới thiệu đến du khách.

     Trường THCS&THPT Đạ Nhim

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây